Hà Lan sẽ hợp tác để phát triển đường thủy nội địa Việt Nam.

Chương trình ghi dấu sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam về đường thủy nội địa diễn ra tại Cần Thơ.

Ngày 9/11, đại diện Nhóm VINWAP Hà Lan gồm 7 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực đường thủy hàng hải Hà Lan đã có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam tại TP Cần Thơ. Đây là chương trình đầu tiên ghi dấu sự hợp tác giữa đôi bên sau khi Chính phủ nước này đồng ý phê duyệt chương trình hợp tác PIB (Chương trình kinh doanh quốc tế) về việc bảo trợ và hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, cảng và thủy nội địa.

Theo đại diện doanh nghiệp đến từ Hà Lan, Cần Thơ là một trong những địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều điểm tương đồng với Hà Lan về điều kiện địa lý, các tiềm năng để phát triển kinh tế như nông nghiệp, công nghệ nước trong đó có vận tải thủy nội địa. Do đó, Chính phủ Hà Lan đã phê duyệt chương trình hợp tác PIB để cùng chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc trao đổi kinh nghiệm công nghệ cũng như tìm hiểu những cơ hội để đầu tư kinh doanh.

Mục đích của chương trình đối tác phát triển này nhằm nâng cao tiềm năng phát triển đường thủy nội địa ở khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tuyến Chợ Gạo- tuyến huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh với các khu vực ĐBSCL.

“Chúng tôi từ chương trình PIB Hà Lan mong muốn thông qua chương trình hợp tác lần này để cùng đối tác nghiên cứu để tìm ra những khó khăn và thách thức trong sự phát triển của của đường thủy nội địa đối với tuyến Chợ Gạo, từ đó áp dụng những kiến thức, chuyên môn cũng như những công nghệ từ phía Hà Lan để có thể khai thác một cách có hiệu quả nhất đối với tuyến giao thông này. Nếu đạt được hiệu quả thì sẽ áp dụng triển khai tại các khu vực khác”, đại diện doanh nghiệp đến từ Hà Lan nói.

Kênh Chợ Gạo. Ảnh internet

Tại buổi làm việc, ông Phạm Trung Quân thuộc Chi cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông tin: Tuyến Chợ Gạo đạt tiêu chuẩn kênh cấp 3 đường thủy nội địa, có tổng chiều dài 28,6km đi qua 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Tuyến được chia làm 3 đoạn gồm Rạch Lá (dài 9,5km), kênh Chợ Gạo (dài 11,6km) và Rạch Kỳ Hôn (dài 6,8km). Trên tuyến này có 36 bến đò ngang và 8 bến cảng của xí nghiệp.

Ở giai đoạn 1, Bộ GTVT đầu tư nâng cấp mở rộng, chiều sâu luồng chạy tàu, xây bờ kè chống xói lở và cơ bản đã hoàn thành được 1/2 tuyến.

Trong giai đoạn 2, dự kiến sẽ tiến hành nạo vét tiếp phần còn lại. Tuy nhiên do vướng phải một số vấn đề vướng mắc nên Bộ GTVT đang xin chủ trương chuyển đổi đầu tư theo hình thức khác.

Theo các doanh nghiệp đánh giá, hoạt động vận tải đường thủy mang lại thành công rất dễ dàng do đây là loại hình khai thác có mức đầu tư và chi phí thấp, rất thân thiện với môi trường, mang tính an toàn và ít tắc nghẽn hơn so với giao thông đường bộ. Với kinh nghiệm tích lũy trong thời gian dài đối với lĩnh vực giao thông đường thủy, thì họ hy vọng sẽ áp dụng những thành công này vào các tuyến đường thủy nội địa tại khu vực ĐBSCL với các khu vực khác của Việt Nam. Qua đó góp phần giảm tỉ trọng chi phí vận tải của Việt Nam (25%); giải quyết các vấn đề tồn động để tăng giá trị, sản lượng vận tải qua đường thủy nội địa.

Để làm được điều này, đôi bên sẽ cùng tìm ra những phương thức triển khai có hiệu quả nhất việc nâng cấp khai thác chất lượng tuyến Chợ Gạo qua hình thức hợp tác công tư; tiến hành phân tích những vấn đề còn tồn động trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong vận tải đường thủy nội địa Việt Nam; nghiên cứu phương án vận tải đa phương thức các ý tưởng mới về vận tải hàng hóa cảng biển; đưa ra sáng kiến thành lập các tổ chức để thúc đẩy việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong việc đầu tư phát triển đường thủy nội địa, nâng cao năng lực quản lý và khai thác cảng biển.

Các hoạt động này sẽ là cơ sở để phát triển đường thủy nội địa Việt Nam theo hướng hiện đại, bắt kịp sự phát triển của các nước tiên tiến.

Theo Báo Giao thông – Lê An