- 12/12/2017
- Đăng bởi: Sowatco
- Danh mục: Thông tin chuyên ngành
Tại cuộc họp ngày 11/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, cụ thể hóa các đề xuất cơ chế đột phá để khuyến khích, thu hút đầu tư vào vận tải ven biển Bắc – Nam.
Dịch vụ logistics liên quan đến chuỗi giá trị kết nối vận tải, nhất là chi phí vận tải biển
– Ảnh: Huy Lộc
Vận chuyển bằng tàu Ro – Ro giảm 30-40% chi phí
Mở đầu cuộc họp bàn giải pháp tăng thị phần vận tải đường biển, pha sông biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: Vì sao tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh – Kiên Giang mở đã 3 năm nhưng vẫn chưa có nhiều tàu tham gia?
“Cách đây mấy năm, Chính phủ đã cho cơ chế gắn đội tàu sông hoạt động trên tuyến ven biển. Vì sao đến nay mới có hơn 1.500 tàu đi ven biển, mà chưa phát triển được 5.000 – 10.000 chiếc? Vì lý do gì thị phần vận tải đường biển, đường thủy vẫn thấp và chưa có sự kết nối với nhau?”, Bộ trưởng đặt vấn đề và cho rằng, trong thời kỳ chiến tranh, dù muôn vàn khó khăn nhưng vẫn mở được tuyến vận tải ven biển, đến nay thời bình cần phát triển mạnh mẽ trục vận tải biển, ven biển Bắc – Nam.
“Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải và các đơn vị của Bộ GTVT cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cụ thể các ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi, thuế, giảm chi phí, bỏ bớt các điều kiện kinh doanh… Cần các cơ chế khuyến khích hình thành các tập đoàn vận tải biển tư nhân, để có sự liên kết tốt giữa các loại hình vận tải”. Bộ trưởng Bộ GTVT |
“Cục Hàng hải VN, các đơn vị cần có kiến nghị tổng thể, khả thi về cơ chế, chính sách để khi Nhà nước ban hành sẽ phát triển mạnh mẽ vận tải ven biển”, Bộ trưởng nói.
Báo cáo với Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cho biết, năm 2016, đường biển chiếm 5,2% tổng sản lượng vận tải hàng hóa toàn ngành, chỉ đứng trên đường sắt (0,4%), còn xếp sau đường bộ, đường thủy nội địa. Hiện, đội tàu biển VN có hơn 1.600 tàu, trong đó 39,4% tàu có tuổi đời trên 15 tuổi và tỷ trọng tàu chở container chỉ chiếm 3,3%.
Theo ông Sang, một trong những nguyên nhân khiến vận tải biển chiếm thị phần thấp là do chi phí, thời gian trung chuyển từ trên bờ xuống cảng, xuống tàu và ngược lại nhiều khiến tổng chi phí vận tải “từ kho đến kho” cao, không cạnh tranh được với đường bộ. “Đội tàu có nhiều tàu nhưng cơ cấu lại không hợp lý, tàu chở container quá thấp, đa phần tàu có tuổi cao, chất lượng tàu thấp và trình độ khai thác quản lý còn hạn chế. Số chủ tàu cũng có đến gần 500 chủ, quy mô nhỏ lẻ, khiến năng lực đảm nhận, cạnh tranh thấp”, ông Sang nói.
Cũng theo ông Sang, vận tải pha sông biển trên tuyến ven biển Quảng Ninh – Kiên Giang có sự phát triển nóng về số lượng tàu, hiện có hơn 1.500 tàu nhưng trong phát triển đang thiếu sự tách bạch giữa loại hình tàu biển cấp hạn chế III và tàu VR – SB, gây ảnh hưởng đến phát triển chung.
Ghi nhận những khó khăn của vận tải biển, pha sông biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách đột phá để tạo nguồn lực mới trong phát triển đội tàu, giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ưu đãi, khuyến khích hình thành tập đoàn vận tải tư nhân để phát triển.
Bộ trưởng đặt vấn đề về nghiên cứu cơ chế để phát triển loại hình vận tải biển bằng tàu Ro – Ro để khắc phục hạn chế. Đây là loại tàu chở các sơ-mi rơ-moóc chở container, tại cảng biển đi và đến, chỉ cần dùng xe đầu kéo chở sơ-mi rơ-moóc từ tàu lên là vận chuyển thẳng đến kho, không cần phải xếp dỡ container như hiện nay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT cũng cho biết, một số nước vận chuyển bằng tàu Ro – Ro giúp tiết kiệm 30-40% chi phí vận tải.
Rà soát, bỏ bớt các điều kiện kinh doanh
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics VN đồng thuận và mong muốn Bộ GTVT thúc đẩy phát triển hình thức vận tải tàu Ro – Ro để giảm vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trên trục Bắc – Nam, cũng như phát triển sà lan vận chuyển container từ nội địa ra cảng biển.
Trước một số kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics và Hiệp hội Chủ tàu VN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT tiếp thu, nghiên cứu để có các đề xuất cụ thể như cơ chế giúp doanh nghiệp vận tải khoanh nợ cũ, tiếp cận vốn thương mại để đầu tư tàu mới, giảm thuế, phí liên quan đến hoa tiêu, luồng lạch…
“Các Cục, Vụ cần rà soát các điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực, từ quy định trong luật đến nghị định, thông tư để giảm, bỏ bớt các điều kiện kinh doanh”, Bộ trưởng yêu cầu.
Đề cập vấn đề một số tàu biển loại hạn chế III hạ cấp thành tàu SB, nhưng phải “co kéo” về hình thức cho phù hợp (như phải giảm bớt độ dài tàu xuống dưới 80m), Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại cơ chế để miễn, giảm hơn nữa chi phí cho tàu biển hạn chế III, cũng như các điều kiện liên quan đến việc lai dắt tàu SB, giúp giảm chi phí vận tải. “Tinh thần của các đơn vị là quy định nào giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội thì làm. Nếu có quy định khiến tăng chi phí vận tải thì phải bỏ”, Bộ trưởng nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng đồng ý với kiến nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang về việc công bố thêm tuyến vận tải ven biển dành cho tàu VR-SB đoạn từ Kiên Giang đến đảo Phú Quốc, để các phương tiện có thể đi thẳng ra đảo, thay vì phải ghé vào Rạch Giá rồi mới hành trình tiếp. Bên cạnh đó, một số cảng biển cũng được xem xét để bố trí nơi neo đậu, làm hàng cho phương tiện thủy, để cảng thủy nội địa dần trở thành “chân rết” của cảng biển, vận tải biển.
Theo báo Giao thông – Huy Lộc.